20:09, 18/03/2024

Những khúc hát bên bờ biển xanh

NGỌC ANH

Cách đây 46 năm, năm 1978, khi đang là nữ sinh năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Huế, một bữa tôi nhận được thư của cha mẹ từ ngoài Bắc gửi vào, trong đó ông bà hỏi: “Gia đình mình sắp chuyển vào miền Nam. Ba má đang phân vân chọn hoặc Đà Nẵng (quê nội) hoặc thành phố biển Nha Trang để sống lâu dài. Chị và em của con đều chọn Nha Trang. Con thích ở đâu?”.

Nét đẹp nên thơ đã tạo cảm hứng cho các nhạc sĩ có nhiều tác phẩm hay viết về Nha Trang. Ảnh: G.C
Nét đẹp nên thơ đã tạo cảm hứng cho các nhạc sĩ có nhiều tác phẩm hay viết về Nha Trang. Ảnh: G.C

Sở dĩ có chuyện hỏi con cái trong việc chuyển nhà vì ba má tôi là cán bộ tập kết, sau khi đất nước thống nhất, ông bà muốn trở về miền Nam công tác nhưng chưa quyết định ở đâu. Tất nhiên tôi trả lời “con chọn Nha Trang” mà chẳng hề do dự. Bởi, không chỉ nghe bạn bè nói thành phố này đẹp, mà với tôi hồi ấy, khi bài hát “Nha Trang mùa thu lại về” của nhạc sĩ Văn Ký vừa ra đời qua giọng hát của ca sĩ Ái Vân đã có sức lôi cuốn lạ lùng. Tôi thích Nha Trang, rồi càng thích hơn khi ba má tôi chính thức chuyển về công tác và sinh sống ở thành phố này.

Trong lớp, nhiều bạn nữ thường ghi chép những bài thơ hay, những câu danh ngôn và lời các ca khúc mình yêu thích vào sổ tay. Tôi cũng vậy. Ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký và 2 ca khúc khác viết về Nha Trang sưu tầm được là “Nha Trang” của nhạc sĩ Minh Kỳ - Hồ Đình Phương và “Nha Trang ngày về” của nhạc sĩ Phạm Duy lần lượt được tôi ghi lại nắn nót trong sổ, phía dưới dòng chữ in hoa: “NHỮNG KHÚC HÁT BÊN BỜ BIỂN XANH”. Các ca khúc ấy đi vào lòng tôi với cảm xúc rất riêng. Ca khúc “Nha Trang” thể hiện tâm trạng của người con lớn lên tại Nha Trang rồi đi xa nhớ về quê nhà với bao hoài niệm: “Còn đâu những chiều vui xưa. Còn đâu những chiều say sưa. Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông. Còn đâu Tháp Bà êm mơ. Còn đâu đá Chồng bơ vơ. Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ. Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát. Ai qua không quên để lại. Một vài luyến tiếc xa xôi. Ai ơi người về cho ta nhắn với. Nha Trang quê hương dịu hiền. Ngàn đời lòng tôi mến yêu”. Ca khúc “Nha Trang ngày về” nói tới tâm trạng của chàng trai đang yêu khi dạo trên biển vắng, nhớ về cuộc tình đã chia xa: “Nha Trang ngày về. Mình tôi trên bãi khuya. Tôi đi vào thương nhớ. Tôi đi tìm cơn gió. Tôi xây lại mộng mơ năm nào. Bờ biển sâu, hai chúng tôi gần nhau…”. Ca khúc “Nha Trang mùa thu lại về” thì vẽ nên bức tranh đầy cảm xúc về một vùng đất thơ mộng, chan chứa tình yêu thương trong những ngày đầu đất nước hòa bình, thống nhất, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới: “Ơi Nha Trang mùa thu lại về. Trong nụ cười và trong tiếng hát say mê. Cờ đỏ tung bay cuộc đời mới. Buồm căng gió lộng, thuyền ra khơi xa. Biển quê ta rộng mở chân trời. Mùa thu sang em cùng anh lên đường. Đi xây dựng mảnh đất quê hương. Theo nhịp bước của đoàn quân chiến thắng. Anh ơi có nghe chăng mùa thu tới với muôn vàn yêu thương. Cho em hát bài ca hùng tráng. Cho em yêu tình yêu trong sáng. Cho em đi trên con đường cách mạng. Cho em mơ mùa thu sang biển Nha Trang lộng lẫy nắng vàng…”. Không ít đêm cùng bạn bè ngồi trong sân cư xá hay những buổi tối ở nhà dân khi đi lao động xa do trường tổ chức, bên chiếc ghi-ta, chúng tôi thường đàn, hát và những lúc như thế, thỉnh thoảng tôi lại nhờ các bạn đệm đàn, hát thêm các ca khúc về vùng đất Nha Trang mà mình sẽ đến.

Người ta nói, âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc, của tâm hồn quả không sai. Các ca khúc trên đã tạo cho tôi rất nhiều ấn tượng lẫn háo hức, chờ đợi khám phá cảnh đẹp của Tháp Bà, Hòn Chồng, Cầu Đá... Tuy nhiên, gần nửa thế kỷ trước, từ Huế đi Nha Trang không dễ vì phương tiện đi lại khó khăn, chủ yếu bằng tàu Thống Nhất, mà sinh viên thì không có tiền, lịch học tuần nào cũng dày, nên đến kỳ nghỉ hè năm ấy tôi mới được đặt chân đến đây lần đầu. Đúng như trí tưởng tượng của mình thông qua các ca khúc, thành phố biển của miền thùy dương cát trắng hiện ra trước mắt tôi đầy hấp dẫn. Cả tháng nghỉ hè với chiếc xe đạp, tôi đã đi khắp nơi trong thành phố, đến thăm nhiều di tích lịch sử văn hóa, rồi có những lúc ngồi hóng gió bên hàng dương ven biển, ngắm nhìn những con sóng từ khơi xa từng đợt nối đuôi nhau vỗ vào bờ…

Ra trường, tôi chọn về Nha Trang làm việc và sinh sống cho tới nay. Trong thời gian dài ấy, tôi được nghe thêm rất nhiều ca khúc viết về Nha Trang, trong đó có những tác phẩm hay, đầy cảm xúc, như: “Nha Trang thành phố tôi yêu” của nhạc sĩ Văn Dung, “Nha Trang thu” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, “Biển hẹn Nha Trang” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn... Dù vậy, trong ký ức tôi vẫn còn mãi hình ảnh mình gom góp các ca khúc, rồi chép trong cuốn sổ tay, chờ ngày về với gia đình. Chỉ là một mảnh nhỏ trong nỗi nhớ về thời còn trẻ nhưng tôi cảm nhận rằng, âm nhạc chính là một trong những con đường nhanh nhất để quảng bá về một vùng đất.

Nha Trang là thành phố du lịch, vì thế âm nhạc là một yếu tố cần được khai thác. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên thế giới, xu hướng du lịch âm nhạc đã trở nên khá phổ biến. Điều này không đơn thuần là giới thiệu vẻ đẹp về quê hương, giáo dục lòng yêu nước, mà còn là lời mời gọi khách du lịch đến tham quan. Trong nước đã từng có nhiều ca khúc nổi tiếng viết về các địa phương như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng, Bến Tre, Quảng Bình… là một minh chứng. Do đó, ngoài việc tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác để có thêm ca khúc hay, ca khúc mới, nên chăng cần tổ chức các cuộc liên hoan tiếng hát hay đối với các ca khúc về Nha Trang? Nếu trên lĩnh vực sân khấu, các trường học, ngành Giáo dục đã bố trí những buổi ngoại khóa dành cho chương trình sân khấu học đường, hoặc trong lĩnh vực văn học có nội dung văn học địa phương thì trên lĩnh vực âm nhạc, cần dành thời gian giới thiệu cho học sinh những ca khúc tiêu biểu nơi các em sinh sống. Tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc về Nha Trang, in thành sách; sản xuất những băng, đĩa MV, trong đó lồng ghép giới thiệu các thắng cảnh của thành phố, làm cho những sản phẩm này vừa hay về ca từ, giai điệu, vừa đẹp về hình ảnh để phát hành rộng rãi cho du khách cũng là việc làm rất cần thiết. Những giải pháp trên đóng vai trò quan trọng, tạo nên hiệu ứng lan tỏa đến các mắt xích cung ứng sản phẩm du lịch. Cùng với các hình thức truyền thông khác, âm nhạc sẽ là nhịp cầu nối những trái tim, giúp bạn bè biết, đến với Nha Trang, thành phố thân thiện, hạnh phúc đang vươn lên trong dòng chảy hội nhập và phát triển.

NGỌC ANH